học đạo

Học đạo quý vô tâm. Làm, nghĩ, nói không lầm. Sáng trong và lặng lẽ. Giản dị mới uyên thâm.

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Câu chuyện về đức Phật Thích Ca

Ngày lành tháng tốt



                              Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:
Các loài hữu tình nào, này các Tỷ kheo, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ kheo, có một buổi sáng tốt đẹp. Các loài hữu tình nào, này các Tỷ kheo, vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ kheo, có một buổi trưa tốt đẹp. Các loài hữu tình nào, này các Tỷ kheo, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ kheo, có một buổi chiều tốt đẹp.
      Này các Tỷ kheo: Vầng sao lành, điều lành/Rạng đông lành, dậy lành/Sát na lành, thời lành/Cúng dường bậc Phạm hạnh/Thân nghiệp chánh, lời chánh/Ý nghiệp chánh, nguyện chánh/Làm các điều chơn chánh/Được lợi ích chơn chánh/Thì được lợi, an lạc/Lớn mạnh trong Phật giáo/Hãy không bệnh, an lạc/Cùng tất cả bà con.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Cát tường, phần Buổi sáng tốt đẹp, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.540)

LỜI BÀN:
       Trong tâm thức người Á Đông nói chung và trong đó có không ít những Phật tử sơ cơ đều tín niệm về ngày giờ tốt xấu, cát hung. Vì thế những liên hệ về tuổi tác, ngày giờ tốt xấu để khởi sự công việc làm ăn hay bất cứ việc hệ trọng nào, đối với họ là một trong những mối quan tâm lớn, được ưu tiên hàng đầu.
       Chuyện có ngày tốt đích thực hay không đến nay vẫn là cảm nghiệm riêng của mỗi người. Thực sự thì không có ngày nào tốt cho tất cả mọi người, bởi có thể có ngày tốt đối với người này nhưng ngày ấy lại là ngày xấu đối với người kia. Chuyện hai người bán áo mưa và bán quạt ở cạnh nhau nhận xét về ngày tốt xấu là một điển hình. Vì ngày mưa sẽ tốt đối với người bán áo mưa nhưng không tốt với người bán quạt và ngược lại.
       Theo tuệ giác Thế Tôn, ngày nào chúng ta có những phẩm chất tốt đẹp như suy nghĩ điều thiện, nói lời nói thiện và làm những việc thiện thì ngày đó chính là ngày tốt. Và như thế, ngày tốt phải do chúng ta tạo ra, làm nên chứ không phải do tạo hóa hay bất cứ sự vận hành nào tác thành. Vậy nên, thay vì tìm cầu chọn lựa ngày tốt từ bên ngoài, người con Phật chủ động tạo ngày tốt cho chính mình và mọi người bằng cách tịnh hóa tam nghiệp.
       Trong một ngày, nếu từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều và từ chiều đến tối mà ta không làm bất cứ điều gì sai trái, xấu ác đồng thời còn làm được nhiều điều tốt đẹp, lợi ích thì chắc chắn đó là một ngày tràn ngập hạnh phúc, an vui. Thì ra, ngày tốt vốn có hàng ngày và không cần nhờ cậy bất kỳ ai coi ngày, ta vẫn có được ngày tốt lành cho mình, nếu biết tu dưỡng và chuyển hóa thân tâm.

Thích Quảng Tánh

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

chúng ta là bạn của nhau nhé!

Lòi mẹ dạy!

“Con ơi! Khi làm việc gì thì phải có ý, có tứ nghe không con”. Đây là câu nói mà bà mẹ Việt nam thường dạy bảo cho đứa con của mình, nhất là người con gái. Và câu nói này, không chỉ lưu truyền ở một nơi nào, mà nó được phổ biến rộng rãi khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Mỗi khi được bà mẹ nhắc nhở câu nói trên, thì người con thận trọng và chú tâm hơn vào công việc đang làm. Nhờ vậy, nên mọi việc đều được gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ.
         Có ý, tức là chúng ta phải để hết tâm ý vào những gì mà mình đang tiếp xúc. Có tứ, nghĩa là ta quan sát sự việc đang diễn ra một cách rõ ràng, tường tận và trung thực. Như vậy, “có ý, có tứ” là thân và tâm phải có mặt hoàn toàn với nhau, và tiếp xúc trọn vẹn với những gì đang xảy ra ở phút giây hiện tại. Khi thân, tâm và hoàn cảnh đương tại được thắp sáng, thì ta sẽ nhận biết rõ ràng những biểu hiện của tự thân và đối tượng tiếp xúc. Nhờ có cái nhìn khách quan và trung thực như thế, nên ta làm chủ được chính mình và bình thản trước mọi xung đột, đổi thay của cuộc đời.
Ví dụ khi quét dọn nhà cửa, mà bạn nhận diện từng bộ phận hoạt động của cơ thể một cách rõ ràng; từ cánh tay co duỗi khi lau chùi nhà, cảm nhận sự mát lạnh dưới hai bàn chân tiếp xúc với nền gạch, rõ biết từng hơi thở vào và hơi thở ra, đồng thời bạn lắng nghe những âm thanh từ gần đến xa..v.v.. Nhận biết sáng tỏ tất cả những sự kiện đang diễn ra đó, mà tâm ý không bị vướng kẹt vào bất kỳ đối tượng nào, thì bạn sẽ được tự do, an ổn và căn nhà rất là sạch sẽ, gọn gàng. Nếu bạn thực hành được như vậy trong mọi sinh hoặt hằng ngày, thì được xem là những mẫu người có nếp sống tỉnh thức và an bình, còn ngược lại là sống trong mê mờ, lãng quên và dẫn tới đau khổ.
Trong khi lái xe cũng vậy, nếu bạn thường trực quan sát kĩ càng những diễn biến xảy ra ở trên đường, thì sẽ an toàn hơn cho tự thân và cho mọi người xung quanh. Thông thường, khi lái xe, toàn cơ thể ta gồng cứng lên, tâm ý thì nôn nóng và hướng đến chỗ làm việc hoặc suy nghĩ miên man những chuyện gì đâu đó; thân thể đang ngồi trên xe, nhưng tâm ý thì bay bổng ở một nơi khác. Vì thế, đôi lúc ta chạy ẩu vượt qua cả đèn đỏ, dẫn đến tắc nghẽn giao thông hoặc bị va chạm vào xe của người khác, gây tổn hại đến tính mạng và tài sản. Và mỗi khi chúng ta nôn nóng, hối hả muốn chạy xe cho nhanh để đi tới chỗ làm việc, hoặc vội vàng mong muốn trở về nhà sớm hơn, thì khi gặp đèn đỏ ta dễ dàng bực bội, khó chịu và bất an. Như vậy, suốt chặng đường lái xe, hầu như ta luôn bị phiền não hoành hành và trói buộc. Do đó, khi ngồi trên xe gắn máy hay là xe hơi, bạn phải biết thư giãn toàn thân, hai vai và cánh tay buông nhẹ, trên khuôn mặt điểm một nụ cười hàm tiếu, giúp cho các tế bào được tươi tỉnh và trẻ trung, còn tâm ý thì phải thường trực rõ biết những diễn biến đang xảy ra trên đường đi.
Mặt khác, đèn đỏ còn là một cơ hội để giúp cho tâm ý bạn dừng lại và trở về với chính mình. Khi gặp đèn đỏ, bạn hãy tắt máy để tiết kiệm xăng dầu và giảm thiểu chất thải từ khói xe phun ra gây ô nhiễm môi trường. Bạn ngồi yên và buông thư toàn cơ thể, để cho thân tâm được bình ổn cũng như tỉnh táo hơn trên những tuyến đường kế tiếp. Khi tâm thức được thắp sáng hiện hữu, thì những suy nghĩ miên man hay là sự lo lắng, sợ hãi, buồn chán… đều bị rơi rụng. Và khi ấy, bạn có được niềm an vui ngay trong khi lái xe, chứ không cần phải chờ đợi đi tới nơi nào cả. Sự thực tập này, không mất công sức và hao tốn tiền bạc gì cả, nhưng đem lại kết quả hạnh phúc rất lớn. Do đó, trong khi lái xe mà bạn biết thực tập “có ý, có tứ” như lời dạy của bà mẹ, thì sẽ hạn chế cho việc ùn tắc giao thông và cũng tránh bớt những tai nạn đáng tiếc xảy đến cho con người. Vì vậy, chúng ta sống “có ý, có tứ” trong mọi sinh hoạt hằng ngày, là điều kiện tất yếu để đem lại sự bình an và hạnh phúc cho mình, cũng như những người chung quanh.
Lời dạy của bà mẹ thật là mầu nhiệm như một câu thần chú; có công năng giúp cho người con tỉnh thức để tiếp xúc với những gì đang xảy ra ở hiện tại. Ngôn ngữ của bà mẹ tuy đơn giản mộc mạc, nhưng ẩn chứa nội dung vô cùng triết lý và thâm sâu. Bởi cụm từ “có ý, có tứ” này không khác gì thuật ngữ “chánh niệm tỉnh giác” đã được đề cập nhiều lần và là cốt lõi ở trong bài kinh Tứ Niệm Xứ. Có lẽ, vào thời kỳ cực thịnh của Phật Giáo Việt Nam qua các triều đại Đinh, Lê, lý, Trần đã được phổ biến rộng rãi trên khắp mọi miền đất nước. Vì thế cho nên, mọi từng lớp người dân đều được thấm nhuần tư tưởng thiền học, để từ đó người người cứ trao truyền cho nhau và ngôn ngữ ấy được tiếp nối, lưu truyền mãi cho đến ngày hôm nay.
Để thừa hưởng và bồi đắp gia tài trí tuệ quý giá mà những người đi trước đã góp nhặt và trải nghiệm. Ngày nay, chúng cần phải thể hiện nội dung chánh niệm tỉnh giác ấy vào trong mọi sinh hoạt hằng ngày, nhằm chuyển hóa phiền não khổ đau và tiếp nối được sự nghiệp cao cả của chư vị tiền bối đã để lại.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta ít khi tỉnh thức mà thường sống trong mê mờ, nên tâm ý bị trôi dạt vào thế giới của phiền não, khổ đau. Tỉnh thức là khi làm việc gì, thì mình phải rõ biết việc đó; khi đi biết mình đang đi, khi uống nước thì biết mình đang uống nước. Khi ăn cơm, rõ biết mình đang ăn cơm… Do tâm ý ta mê mờ và sống trong ảo tưởng, nên khi ta đi đứng, ăn cơm, làm việc giống như một pho tượng biết di chuyển. Tâm ý thường ruồng bỏ thân để truy tìm những chuyện được mất, hơn thua trong quá khứ và bồn chồn lo lắng cho tương lai. Vì bị kẹt cứng vào hai suy tưởng ấy, nên ta không có tự do để tiếp xúc được với sự sống đang có mặt trong hiện tại.
Trong khi đó, những giá trị cao đẹp của cuộc sống luôn luôn được biểu hiện, thế nhưng ta không biết tiếp nhận và thừa hưởng; bầu trời trong xanh, đám mây trắng, hàng cây xanh tươi ven đường, những bông hoa nở rộ thơm ngát, dòng suối trong xanh… Tất cả đều biểu hiện những cái đẹp, cái lành để hiến tặng cho cuộc đời, thế mà ta vô tình không biết tận hưởng những quý giá đó. Bà mẹ, anh trai, chị gái, em bé… những người thân ấy họ vẫn còn sống và đang có mặt bên ta, cũng là những điều kiện của hạnh phúc, nhưng ta vẫn cứ hờ hững, lãng quên và ít khi để tâm tới, đến khi họ mất rồi thì ta lại hối tiếc trong muộn màng và sầu khổ!
Sống cho “có ý, có tứ” là điều kiện rất cần thiết để khơi dậy tình thương yêu và sự hiểu biết vốn có trong mỗi chúng ta được biểu hiện, còn ngược lại ta sống trong mê mờ lãng quên, thì cánh cửa của hiểu biết và thương yêu sẽ bị khép kín, từ đó phiền não, khổ đau dễ dàng sinh khởi và trói buộc. Do vậy, chúng ta phải ghi nhớ lời dạy của bà mẹ: “ Con ơi, khi làm việc gì cũng phải có ý, có tứ nghe không con”. Và chúng ta hãy áp dụng lời dạy ấy vào trong đời sống hằng ngày, để chuyển hóa phiền não khổ đau, đem lại niềm an vui và đạt đến hạnh phúc chân thực.
Viên Ngộ

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Lòng biết ơn!

 
      Biết ơn, là một trong những đức tính cao quý, đẹp đẽ mà ai ai cũng trân trọng, lưu tâm và bồi đắp. Biết ơn còn là điều kiện tất yếu để tạo ra hạnh phúc chân thực. Khi một người có tấm lòng biết ơn đối với mọi loài, thì người ấy sẽ trân quý sự sống; không tàn hoại, ghét bỏ hay loại trừ, mà trái lại họ có khẳ năng chấp nhận để chuyển hóa và thương yêu. Nhờ vậy, nên hạnh phúc ở nơi người đó dễ dàng được phát khởi.
Trong đạo Phật, có nói đến bốn ơn. Đó là, ơn cha mẹ, ơn Thầy tổ, ơn quốc gia xã hội và ơn mọi loài chúng sinh. Người xưa chia ra bốn ơn khác nhau như thế, là để cho dễ dàng hiểu rõ mà báo đáp. Tuy nhiên, nếu là người tu tập phát khởi được tuệ giác và tình thương, thì họ sẽ đền đáp được trọn vẹn tất cả những ân nghĩa của cuộc đời, mà không có từ chối hay chọn lựa riêng ai cả. Và những ân nghĩa đó, được biểu hiện cụ thể ở trong đời sống hằng, chứ không phải chỉ là lời nói suông hoặc ca ngợi, tán tụng.
Khi một người thực sự có tấm lòng tri ân đối với mọi loài, thì trước hết chính bản thân họ phải có đời sống bình an, nhẹ nhàng. Người ấy đã chuyển hóa được ít nhiều những phiền não khổ đau và hệ lụy. Tâm tư họ trong sáng, thảnh thơi mà không quá bận rộn và bon chen để tranh giành địa vị, quyền bính. Những công danh, sự nghiệp đến với họ một cách tự nhiên theo sự vận hành của nhân duyên, nghiệp quả, mà không phải bằng ý niệm truy tìm, đen tối của bản ngã.
Nhờ có một tâm hồn trong sáng và bình an, nên người đó mới thấy ra được sự tương quan, tương duyên giữa cuộc đời này. Tất cả mọi loài sinh sống trên trái đất, đều phải nương tựa vào nhau mà biểu hiện. Sở dĩ ta có mặt ngày hôm nay, là nhờ vào không biết bao nhiêu là điều kiện kết hợp lại mà hình thành. Như là tinh cha huyết mẹ, không khí, ánh sáng mặt trời, người cày cấy làm ra lúa gạo cho ta dùng .v.v.. cho đến nhiều điều kiện khác nữa để nuôi dưỡng cho ta khôn lớn. Không có một sinh vật nào trên trái đất này được hình thành, mà không nương tựa vào nhau. Bông hoa có mặt, thì phải nhờ vào đất, nước, ánh sáng mặt trời, không khí… mới được hiện hữu. Con người có sự hiểu biết, thương yêu và hạnh phúc là nhờ vào sự dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô và bạn bè. Và sở dĩ ta có được cuộc sống thanh bình, yên ổn là do các quốc gia khác không đến xâm chiếm, cũng như nhờ vào sự sáng suốt, đạo đức của những người lãnh đạo ở trong một đất nước. Do vậy, sự tồn tại của mọi loài sinh vật trên hành tinh này đều có mối liên hệ tương quan mật thiết với nhau. Nếu ta không có cái nhìn tương tức như vậy, mà cho rằng sự sinh tồn của muôn loài là biệt lập, thì ý niệm muốn chiếm hữu, bảo thủ để dành riêng về cho từng cá nhân sẽ xuất hiện. Từ đó, tạo ra tranh chấp, thù hận và dẫn đến phiền não khổ đau cho mọi loài và cho chính bản thân.

Vì thế cho nên, khi trong tâm mình khởi lên một niệm bất thiện mà ta không rõ biết, thì ý niệm ấy sẽ dẫn tới hành động gây tàn hoại đến mọi loài và trong đó có chính mình. Ví dụ như, sự ô nhiễm môi sinh đã tạo ra mất cân bằng sinh thái, làm cho bầu khí quyển càng ngày nóng dần lên. Người ta không nghĩ đến vạn vật tương quan mật thiết với nhau; khi khai thác rừng quá mức sẽ dẫn đến hậu quả là thiên tai, bão lụt, động đất và khiến cho hàng trăm nghìn người trên thế giới bị lâm vào hoàn cảnh chết chóc, đói rách và khổ sở. Hiện nay, ô nhiễm khí quyển là vấn đề thời sự nóng bỏng của cả thế giới, chứ không phải chỉ dành riêng cho một quốc gia nào. Môi trường khí quyển đang có nhiều biến đổi rõ rệt và ảnh hưởng xấu đến cho con người và các loài sinh vật. Hàng năm, người ta khai thác và sử dụng hàng tỉ tấn than đá, dầu mỏ, khí đốt. Ngoài ra, còn có một khối lượng lớn các chất thải khác nhau như: khói xe hơi, chất thải sinh hoạt, chất thải từ các nhà máy và xí nghiệp đã làm cho hàm lượng các loại khí độc hại tăng lên nhanh chóng. Ô nhiễm môi trường khí quyển, đã tạo nên sự ngột ngạt và sương mù, gây ra nhiều bệnh tật cho con người. Nó còn tạo ra những cơn mưa axít làm huỷ diệt các khu rừng và các cánh đồng. Theo các nhà nghiên cứu môi sinh, thì chất khí quan trọng là CO2, nó đóng góp 50% vào việc gây ra hiệu ứng nhà kính, CH4 là 13%, nitơ 5%, CFC là 22%, hơi nước ở tầng bình lưu là 3%. Như vậy, do ý niệm chật hẹp, ích kỷ của cá nhân và không có cái nhìn thấu đáo về mối liên hệ tương quan của vạn vật, nên dẫn đến những tai họa thảm thương cho chính bản thân và cho mọi loài.

Vì vậy cho nên, lòng biết ơn không phải là lời nói xã giao ngọt ngào hoặc đem tặng quà cho nhau để được người kia quan tâm giúp đỡ; hay là kiến tạo một công trình nào đó để chứng tỏ mình là người biết vâng lời, và tiếp nối được sự nghiệp của người đi trước. Hành động này, chưa thể hiện rõ được nội dung của lòng biết ơn. Bởi những việc làm đó, đôi khi chỉ là do bản ngã sai xử, điều động, để được tiếng khen và nhiều lợi dưỡng, chứ không phải người ấy có cái nhìn trong sáng và thâm sâu vào thực trạng của xã hội.
Do đó, lòng biết ơn phải được biểu hiện cụ thể vào trong đời sống hằng ngày qua thân, khẩu và ý. Mỗi hành động, lời nói, suy nghĩ của ta đều phải có sự định tĩnh và trong sáng. Bởi mỗi khi tâm hồn ta bình thản sáng suốt, thì lúc đó ta sẽ thấy rõ được việc làm và lời nói của mình có thực sự đem lại niềm an vui, hạnh phúc cho tha nhân hay không. Còn ngược lại, khi ta hành động, nói năng và suy nghĩ mà thiếu sự định tĩnh, trong sáng thì những việc làm đó sẽ tạo ra phiền não khổ đau ngay trong khi ta đang làm. Bởi vì, khi tiếp xúc với hoàn cảnh không được như ý muốn, thì lập tức ta phản ứng ra sự bực bội và muốn loại trừ hoặc là chạy trốn những gì đang diễn ra ở hiện tại. Như vậy, khổ đau đã được hình thành ngay từ trong những ý niệm mê mờ của mình, rồi từ đó nó lan tràn đến cho những người chung quanh. Vì thế, cho dù ta có kiến tạo ra những công trình to lớn gì chăng nữa, thì vẫn bị phiền não khổ đau trói buộc.
Vì vậy cho nên, lòng biết ơn chỉ biểu hiện khi tâm ý ta được thắp sáng trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Ví dụ như khi ta nâng bát cơm lên ăn, thì ta phải thấy được có vô vàn điều kiện hợp lại mà hình thành. Như là nhờ vào hạt lúa, đất, nước, người nông dân cày cấy gieo trồng, ánh sáng mặt trời, cơn mưa, người nấu ăn ..v..v.. Có rất nhiều công sức như thế, mới tạo ra bát cơm thơm ngon và bổ dưỡng để cho ta dùng. Do đó trước khi ăn, ta phải khởi lòng biết ơn đến mọi loài đã hiến tặng cho ta thực phẩm cao quý này, đồng thời ta cũng nhìn lại để thấy rằng, mình rất là may mắn được sống trong một xã hội có đầy đủ cơm no và áo ấm. Bởi hiện nay, trên thế giới vẫn còn không ít người bị chết đói mỗi ngày, do không có cơm để ăn. Có những nơi bị nạn dịch bệnh, thiên tai bão lụt, hạn hán, động đất… họ phải chịu cảnh đói rét và sống trong tình trạng màn trời chiếu đất, rất là thảm thương! Vì vậy cho nên, khi một con người có cái nhìn trong sáng, thâm sâu vào thực trạng của xã hội, thì họ sẽ phát khởi lòng biết ơn và chỉ muốn hết lòng đóng góp và xây dựng, để làm cho cuộc đời tốt đẹp thêm hơn, mà không có ý niệm tàn hoại. Bởi người ấy ý thức được rằng, sự bình an và hạnh phúc của bản thân sẽ đóng góp rất nhiều cho xã hội được hòa bình và phồn thịnh. Còn ngược lại, mỗi khi tâm ý bị mê mờ và tham lam che lấp, thì sẽ làm hại cho bản thân và cuộc đời.
Do đó, người có lòng biết ơn, thì đời sống của họ sẽ luôn được bình an và hạnh phúc. Dù bất cứ ở nơi nào, họ cũng tạo ra niềm an vui, lợi lạc cho bản thân và cho những người chung quanh, và nhờ vậy nên họ luôn luôn được mọi người trong xã hội thương yêu và quý trọng. Vì thế, mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ phải được dựa trên sự định tĩnh, sáng suốt. Khi làm bất cứ việc gì, thì ta phải thường trực rõ biết về việc đó, và luôn luôn có cái nhìn khách quan, trung thực. Bởi nhờ vào sự quyết định sáng suốt của ta ngày hôm nay, sẽ là đầu mối và hướng đi cho con cháu của chúng ta ở ngày mai được tiếp nối và thừa hưởng một cách tốt đẹp.

Viên Ngộ

Lành thay!



                                                                Lành thay bậc xuất gia
                                                               Từ giã mẹ và cha
                                                               Cắt ái ân ràng buộc
                                                               Nương vũ trụ làm nhà.

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Đôi bàn tay khéo léo!

 Đôi bàn tay của chúng ta có khả năng cầm nắm mọi thứ và làm tất cả các công việc như là: lái xe, nấu ăn, rửa chén bát, dọn dẹp nhà cửa, sử dụng computer, cắm hoa, viết thư pháp, uống trà … Mỗi khi một bộ phận nào trên thân thể có nhu cầu, thì đôi bàn tay đáp ứng ngay mà không chần chừ, do dự hay là phân biệt, tính toán. Đôi bàn tay thật dễ chịu, ngoan hiền và chấp nhận dưới sự điều động của Tâm ý cho dù việc làm ấy có nặng nề hay là dơ bẩn.
Có biết bao nhiêu là cái đẹp giữa cuộc đời này, đã nhờ đôi bàn tay làm nên. Những dãy nhà cao tầng đồ sộ, con đường chạy dài trải nhựa bóng loáng sạch đẹp, hàng cây xanh tươi bên đường, những cánh đồng ruộng bát ngát thơm mùi lúa chín… tất cả cũng đều do đôi bàn tay cần cù, siêng năng làm ra cả.
Mỗi khi thân thể bị đau nhức, mỏi mệt thì đôi bàn tay tự động xoa bóp làm cho vùng bị nhức mỏi ấy được lắng dịu, thư thái và trở nên khỏe khoắn. Khi thân ta đi đứng bất cẩn bị té ngã, thì đôi bàn tay lập tức chống đỡ để bảo vệ an toàn cho thân thể, mà ý thức chưa kịp thời chỉ dẫn, điều động.
Mặt khác, đôi bàn tay còn biết chăm sóc cho nhau. Mỗi khi cánh tay phải bị tai nạn chấn thương, thì bàn tay trái tự động ân cần chăm sóc và thay thế làm tất cả mọi công việc nặng nhọc, nhưng nó không bao giờ phân biệt hay tính toán. Chao ôi! Đôi bàn tay thật là khéo léo tuyệt vời biết bao!
Tuy đôi bàn tay làm nhiều việc như vậy, nhưng nó vô tư và rất là tự do. Bởi khi có công việc đến thì làm, xong rồi là chẳng cần nắm giữ lại cái gì cả, vì thế nên nó luôn luôn được rảnh rang và tự do. Và nhờ không cầm giữ một vật gì trong tay, nên đôi bàn tay mới có công năng cầm nắm và làm tất cả mọi việc. Nếu như hai bàn tay đang nắm giữ khư khư một vật gì đó, cho dù là vàng bạc hay những thứ quý giá khác mà không chịu để xuống, vậy thì đến khi đói bụng làm sao ăn cơm hay uống trà được? Vì vậy cho nên, sở dĩ đôi bàn tay có khả năng làm được nhiều việc khác nhau như thế, là nhờ nó biết buông xuống ngay sau khi đã làm xong công việc. Đó là sự khéo léo, diệu dụng và thông minh của đôi bàn tay.
Trong khi đó, tâm ý ta lại tệ hơn đôi bàn tay, mặc dù nó là đại diện cho cả một thân thể của con người, và đóng vai trò chủ đạo đứng đầu trong tất cả các căn. Khi có vấn đề xảy ra, tâm ta không biết cách để giải quyết thông minh như đôi bàn tay. Bởi nó nặng nề thói quen chấp thủ và ôm ấp những nhận thức mà trước đó đã thu nhận được. Thói quen lưu giữ, cố chấp, vướng mắc những việc đã qua và mơ tưởng, nôn nóng với những gì chưa đến là căn bệnh khó chữa ở tâm ý của con người. Vì thế cho nên, khi Vua Dũ Tôn (1706-1729) tới hỏi đạo lý với Thiền sư Hương Hải, thì vua được Thiền sư dạy cho bài kệ rằng:
Nhạn quá trường không,
Ảnh trầm hàn thủy.
Nhạn vô di tích chi ý,
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.
Dịch nghĩa:
Nhạn liệng giữa không,
Bóng chìm dưới nước.
Nhạn không để dấu ở lại,
Nước chẳng lưu bóng làm chi.
(Việt Nam Phật giáo sử lược, trang 186, xb 2004, HT. Thích Mật Thể).
         Đại ý của bài kệ mà Thiền sư Hương Hải muốn nói với vua rằng; việc gì tới thì tùy vào đó để giải quyết, nhưng sau khi đã hoàn thành công việc, thì ta phải biết buông ra để cho tâm hồn rảnh rang, vô sự. Cũng giống như con chim kia nó bay ngang qua hồ nước, nhưng không để lại dấu vết gì trong hồ nước cả, và ở dưới hồ nước ấy cũng chẳng lưu giữ hình bóng con chim mà làm chi. Vì vậy cho nên, hồ nước luôn luôn giữ được sự trong xanh, tĩnh lặng và có một không gian thênh thang, yên bình.
Lời dạy của thiền sư rất cụ thể rõ ràng, tuy đơn giản nhưng lại thật là sâu sắc. Bởi lời dạy ấy, ở nơi mỗi con người của chúng ta thường hay bị mắc phải. Tâm lý vướng bận và tự hào về thành quả của mình làm ra, đồng thời muốn chiếm hữu và gìn giữ với những gì ta ưa thích, thì hầu như đó là căn bệnh muôn thủa của kiếp người. Chúng ta cần phải biết rằng, mỗi khi trong tâm mình bị ràng buộc bởi những ưu tư, lo lắng, giận hờn, trách móc, ghen tị… thì yếu tố hạnh phúc, an vui sẽ vắng mặt. Tâm không được rảnh rang, tự do như đôi bàn tay thì sự hiểu biết sẽ bị hạn hẹp, cục bộ và trở nên nhận thức sai lầm, phiến diện về hoàn cảnh hiện thực. Do đó mà ta không thấu hiểu được tâm trạng của những người thân chung quanh một cách sâu sắc, nên tình cảm dễ dàng bị đổ vỡ, chia lìa. Ta cứ ngỡ rằng; những quan điểm, nhận thức của mình là hoàn toàn đúng rồi, nên tỏ ra tự mãn, xem thường người khác. Nào ngờ đâu, những kiến thức khô cứng ấy, không đủ khả năng để tháo gỡ những bế tắc mà ta thường bị vướng kẹt trong đời sống hằng ngày. Vạn vật vốn luôn luôn thay đổi và mới mẻ, nhưng do cái nhìn hạn hẹp, cục bộ nên ta thấy chúng là thường còn, vì thế sinh tâm tham muốn, chấp thủ. Cũng do thói quen phản kháng của bản ngã thường áp đặt và làm méo mó cái thực tại đang là, nên ta không đủ khả năng sáng suốt để thấy rõ được giá trị đích thực của sự sống.
Mỗi ngày, bạn nên nhìn vào đôi bàn tay của mình để thấy được sự khéo léo thông minh và tự do của nó. Từ cái nhìn ấy, sẽ giúp cho bạn soi chiếu lại chính mình, và để lắng nghe từng dấy khởi ở nơi thân tâm, đồng thời giúp cho bạn thấy rõ được những thói quen dựng lập của bản ngã. Mỗi khi tâm tư bạn được lắng động thanh tịnh, thì quy trình chấp thủ của cái ta sẽ được phá vỡ, và lúc bấy giờ những bận rộn, bon chen, tranh giành và chấp thủ tự động rơi rụng, một cái nhìn mới về cuộc đời như được biểu hiện. Bạn sẽ thấy được rằng; đất trời, cỏ cây, hoa lá, cơn mưa, dòng suối… đều phải nương tựa vào nhau để sinh trưởng, nhưng chúng chẳng cần phải gìn giữ hay là vướng kẹt. Đám mây trắng vẫn thong dong bay đi tự tại, dòng sông thì đêm ngày êm ả chảy ra biển khơi, và hội đủ điều kiện thì cơn mưa xuất hiện để hiến tặng sự mát mẻ, xanh tươi cho cỏ cây và hoa lá. Vạn vật thiên nhiên trong vũ trụ làm việc với nhau một cách hài hòa như vậy, nhưng chúng vẫn thong dong và tự tại từng cá thể.
Để có cái nhìn sâu sắc vào trong đời sống hằng ngày, nhằm đem lại niềm an vui và hạnh phúc, thì bạn cần phải biết trở về với chính mình để nhận diện những gì đang xảy ra ở thân tâm và hoàn cảnh hiện tại một cách khách quan, rõ ràng và trung thực. Nhờ tiếp xúc sâu sắc với thực tại đang là, nên những ý niệm lo lắng, buồn tủi của quá khứ và những ảo tưởng, trông ngóng đến tương lai không có cơ sở để sinh khởi, do đó tâm bạn được an bình và thư thái. Mỗi khi tâm ý được tĩnh lặng, trong sáng thì sự hiểu biết và tình thương sẽ được biểu hiện. Mà điều kiện tất yếu để có được an vui, hạnh phúc là hiểu và thương!
Do vậy, chúng ta không dại khờ gì mà ôm ấp, cưu mang những ưu tư, lo sợ, buồn tủi, trách móc, ghen tị… làm bíp lấp cả tâm hồn để rồi tạo nên khổ đau, hệ lụy. Mà ta phải biết buông xuống như đôi bàn tay khéo léo; việc gì tới thì giải quyết, xong rồi là buông ra chẳng cần nắm giữ lại cái gì cả. Nếu như trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày, ta biết vận dụng khéo léo như đôi bàn tay, thì cuộc sống của chúng ta sẽ được an lành và hạnh phúc!
Viên Ngộ