học đạo

Học đạo quý vô tâm. Làm, nghĩ, nói không lầm. Sáng trong và lặng lẽ. Giản dị mới uyên thâm.

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Lòng biết ơn!

 
      Biết ơn, là một trong những đức tính cao quý, đẹp đẽ mà ai ai cũng trân trọng, lưu tâm và bồi đắp. Biết ơn còn là điều kiện tất yếu để tạo ra hạnh phúc chân thực. Khi một người có tấm lòng biết ơn đối với mọi loài, thì người ấy sẽ trân quý sự sống; không tàn hoại, ghét bỏ hay loại trừ, mà trái lại họ có khẳ năng chấp nhận để chuyển hóa và thương yêu. Nhờ vậy, nên hạnh phúc ở nơi người đó dễ dàng được phát khởi.
Trong đạo Phật, có nói đến bốn ơn. Đó là, ơn cha mẹ, ơn Thầy tổ, ơn quốc gia xã hội và ơn mọi loài chúng sinh. Người xưa chia ra bốn ơn khác nhau như thế, là để cho dễ dàng hiểu rõ mà báo đáp. Tuy nhiên, nếu là người tu tập phát khởi được tuệ giác và tình thương, thì họ sẽ đền đáp được trọn vẹn tất cả những ân nghĩa của cuộc đời, mà không có từ chối hay chọn lựa riêng ai cả. Và những ân nghĩa đó, được biểu hiện cụ thể ở trong đời sống hằng, chứ không phải chỉ là lời nói suông hoặc ca ngợi, tán tụng.
Khi một người thực sự có tấm lòng tri ân đối với mọi loài, thì trước hết chính bản thân họ phải có đời sống bình an, nhẹ nhàng. Người ấy đã chuyển hóa được ít nhiều những phiền não khổ đau và hệ lụy. Tâm tư họ trong sáng, thảnh thơi mà không quá bận rộn và bon chen để tranh giành địa vị, quyền bính. Những công danh, sự nghiệp đến với họ một cách tự nhiên theo sự vận hành của nhân duyên, nghiệp quả, mà không phải bằng ý niệm truy tìm, đen tối của bản ngã.
Nhờ có một tâm hồn trong sáng và bình an, nên người đó mới thấy ra được sự tương quan, tương duyên giữa cuộc đời này. Tất cả mọi loài sinh sống trên trái đất, đều phải nương tựa vào nhau mà biểu hiện. Sở dĩ ta có mặt ngày hôm nay, là nhờ vào không biết bao nhiêu là điều kiện kết hợp lại mà hình thành. Như là tinh cha huyết mẹ, không khí, ánh sáng mặt trời, người cày cấy làm ra lúa gạo cho ta dùng .v.v.. cho đến nhiều điều kiện khác nữa để nuôi dưỡng cho ta khôn lớn. Không có một sinh vật nào trên trái đất này được hình thành, mà không nương tựa vào nhau. Bông hoa có mặt, thì phải nhờ vào đất, nước, ánh sáng mặt trời, không khí… mới được hiện hữu. Con người có sự hiểu biết, thương yêu và hạnh phúc là nhờ vào sự dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô và bạn bè. Và sở dĩ ta có được cuộc sống thanh bình, yên ổn là do các quốc gia khác không đến xâm chiếm, cũng như nhờ vào sự sáng suốt, đạo đức của những người lãnh đạo ở trong một đất nước. Do vậy, sự tồn tại của mọi loài sinh vật trên hành tinh này đều có mối liên hệ tương quan mật thiết với nhau. Nếu ta không có cái nhìn tương tức như vậy, mà cho rằng sự sinh tồn của muôn loài là biệt lập, thì ý niệm muốn chiếm hữu, bảo thủ để dành riêng về cho từng cá nhân sẽ xuất hiện. Từ đó, tạo ra tranh chấp, thù hận và dẫn đến phiền não khổ đau cho mọi loài và cho chính bản thân.

Vì thế cho nên, khi trong tâm mình khởi lên một niệm bất thiện mà ta không rõ biết, thì ý niệm ấy sẽ dẫn tới hành động gây tàn hoại đến mọi loài và trong đó có chính mình. Ví dụ như, sự ô nhiễm môi sinh đã tạo ra mất cân bằng sinh thái, làm cho bầu khí quyển càng ngày nóng dần lên. Người ta không nghĩ đến vạn vật tương quan mật thiết với nhau; khi khai thác rừng quá mức sẽ dẫn đến hậu quả là thiên tai, bão lụt, động đất và khiến cho hàng trăm nghìn người trên thế giới bị lâm vào hoàn cảnh chết chóc, đói rách và khổ sở. Hiện nay, ô nhiễm khí quyển là vấn đề thời sự nóng bỏng của cả thế giới, chứ không phải chỉ dành riêng cho một quốc gia nào. Môi trường khí quyển đang có nhiều biến đổi rõ rệt và ảnh hưởng xấu đến cho con người và các loài sinh vật. Hàng năm, người ta khai thác và sử dụng hàng tỉ tấn than đá, dầu mỏ, khí đốt. Ngoài ra, còn có một khối lượng lớn các chất thải khác nhau như: khói xe hơi, chất thải sinh hoạt, chất thải từ các nhà máy và xí nghiệp đã làm cho hàm lượng các loại khí độc hại tăng lên nhanh chóng. Ô nhiễm môi trường khí quyển, đã tạo nên sự ngột ngạt và sương mù, gây ra nhiều bệnh tật cho con người. Nó còn tạo ra những cơn mưa axít làm huỷ diệt các khu rừng và các cánh đồng. Theo các nhà nghiên cứu môi sinh, thì chất khí quan trọng là CO2, nó đóng góp 50% vào việc gây ra hiệu ứng nhà kính, CH4 là 13%, nitơ 5%, CFC là 22%, hơi nước ở tầng bình lưu là 3%. Như vậy, do ý niệm chật hẹp, ích kỷ của cá nhân và không có cái nhìn thấu đáo về mối liên hệ tương quan của vạn vật, nên dẫn đến những tai họa thảm thương cho chính bản thân và cho mọi loài.

Vì vậy cho nên, lòng biết ơn không phải là lời nói xã giao ngọt ngào hoặc đem tặng quà cho nhau để được người kia quan tâm giúp đỡ; hay là kiến tạo một công trình nào đó để chứng tỏ mình là người biết vâng lời, và tiếp nối được sự nghiệp của người đi trước. Hành động này, chưa thể hiện rõ được nội dung của lòng biết ơn. Bởi những việc làm đó, đôi khi chỉ là do bản ngã sai xử, điều động, để được tiếng khen và nhiều lợi dưỡng, chứ không phải người ấy có cái nhìn trong sáng và thâm sâu vào thực trạng của xã hội.
Do đó, lòng biết ơn phải được biểu hiện cụ thể vào trong đời sống hằng ngày qua thân, khẩu và ý. Mỗi hành động, lời nói, suy nghĩ của ta đều phải có sự định tĩnh và trong sáng. Bởi mỗi khi tâm hồn ta bình thản sáng suốt, thì lúc đó ta sẽ thấy rõ được việc làm và lời nói của mình có thực sự đem lại niềm an vui, hạnh phúc cho tha nhân hay không. Còn ngược lại, khi ta hành động, nói năng và suy nghĩ mà thiếu sự định tĩnh, trong sáng thì những việc làm đó sẽ tạo ra phiền não khổ đau ngay trong khi ta đang làm. Bởi vì, khi tiếp xúc với hoàn cảnh không được như ý muốn, thì lập tức ta phản ứng ra sự bực bội và muốn loại trừ hoặc là chạy trốn những gì đang diễn ra ở hiện tại. Như vậy, khổ đau đã được hình thành ngay từ trong những ý niệm mê mờ của mình, rồi từ đó nó lan tràn đến cho những người chung quanh. Vì thế, cho dù ta có kiến tạo ra những công trình to lớn gì chăng nữa, thì vẫn bị phiền não khổ đau trói buộc.
Vì vậy cho nên, lòng biết ơn chỉ biểu hiện khi tâm ý ta được thắp sáng trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Ví dụ như khi ta nâng bát cơm lên ăn, thì ta phải thấy được có vô vàn điều kiện hợp lại mà hình thành. Như là nhờ vào hạt lúa, đất, nước, người nông dân cày cấy gieo trồng, ánh sáng mặt trời, cơn mưa, người nấu ăn ..v..v.. Có rất nhiều công sức như thế, mới tạo ra bát cơm thơm ngon và bổ dưỡng để cho ta dùng. Do đó trước khi ăn, ta phải khởi lòng biết ơn đến mọi loài đã hiến tặng cho ta thực phẩm cao quý này, đồng thời ta cũng nhìn lại để thấy rằng, mình rất là may mắn được sống trong một xã hội có đầy đủ cơm no và áo ấm. Bởi hiện nay, trên thế giới vẫn còn không ít người bị chết đói mỗi ngày, do không có cơm để ăn. Có những nơi bị nạn dịch bệnh, thiên tai bão lụt, hạn hán, động đất… họ phải chịu cảnh đói rét và sống trong tình trạng màn trời chiếu đất, rất là thảm thương! Vì vậy cho nên, khi một con người có cái nhìn trong sáng, thâm sâu vào thực trạng của xã hội, thì họ sẽ phát khởi lòng biết ơn và chỉ muốn hết lòng đóng góp và xây dựng, để làm cho cuộc đời tốt đẹp thêm hơn, mà không có ý niệm tàn hoại. Bởi người ấy ý thức được rằng, sự bình an và hạnh phúc của bản thân sẽ đóng góp rất nhiều cho xã hội được hòa bình và phồn thịnh. Còn ngược lại, mỗi khi tâm ý bị mê mờ và tham lam che lấp, thì sẽ làm hại cho bản thân và cuộc đời.
Do đó, người có lòng biết ơn, thì đời sống của họ sẽ luôn được bình an và hạnh phúc. Dù bất cứ ở nơi nào, họ cũng tạo ra niềm an vui, lợi lạc cho bản thân và cho những người chung quanh, và nhờ vậy nên họ luôn luôn được mọi người trong xã hội thương yêu và quý trọng. Vì thế, mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ phải được dựa trên sự định tĩnh, sáng suốt. Khi làm bất cứ việc gì, thì ta phải thường trực rõ biết về việc đó, và luôn luôn có cái nhìn khách quan, trung thực. Bởi nhờ vào sự quyết định sáng suốt của ta ngày hôm nay, sẽ là đầu mối và hướng đi cho con cháu của chúng ta ở ngày mai được tiếp nối và thừa hưởng một cách tốt đẹp.

Viên Ngộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét